Vì tôi không ổn tý nào.
Tôi đã nhiều ngày ngủ không ngon, luôn đau nhức lưng, vai gáy và gặp chứng rối loạn lo âu. Lúc nào tôi cũng thấy rã rời sau một ngày làm việc, trong khi nhiều công việc đến hạn chót cùng lúc. Có giai đoạn tôi ghét nơi mình ở và công việc mình đang làm, thấy đơn độc và lạc lõng.
Đó là tháng 11 năm ngoái, tôi sang Mỹ tu nghiệp ngành công tác xã hội lâm sàng giữa lúc nước này bùng dịch. Vì chuyên ngành sâu là công tác xã hội trong y tế nên một tuần ba ngày, tôi thực hành tại khoa Chăm sóc giảm nhẹ ở Bệnh viện đa khoa Massachusetts.
Khi sếp hỏi tôi có thể làm việc với bệnh nhân Covid-19 không, tôi không ngần ngại nói "sẵn lòng". Nhưng khi gặp người bệnh đầu tiên, tôi lo lắng và căng thẳng tới mức vã mồ hôi. Tôi sợ mình sẽ nhiễm virus.
Công việc của tôi là chăm sóc tâm lý cho người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo, Covid-19 và bệnh nhân cận tử. Điều kiện làm việc tương đối căng thẳng. Tôi lắng nghe bệnh nhân và người thân khóc, tâm sự về những đau buồn mất mát của họ mỗi ngày. Tôi cũng nghe đồng nghiệp là bác sĩ và điều dưỡng trong khoa nói về nỗi tuyệt vọng không cứu được người bệnh. Cứ thế, nhiều ngày trôi qua, chỉ đến khi sếp hỏi, tôi mới nhận ra mình bị kiệt sức nghề nghiệp.
Nói chuyện với nhiều đồng nghiệp trong nước, tôi nhận ra họ cũng ít nhiều đang trải qua những gì tôi đã từng. Vài người trong số họ mệt đến mức muốn nghỉ việc. Môi trường làm việc căng thẳng, cường độ làm việc quá cao trong điều kiện quá tải của bệnh viện, nguy cơ phơi nhiễm với Covid mỗi ngày làm họ sợ cho chính bản thân, lo lắng lây bệnh cho người thân dù đã mang đầy đủ đồ bảo hộ.
Một trong những nguyên nhân chính gây kiệt sức nghề nghiệp với nhân viên y tế là kiệt sức thấu cảm: cạn kiệt sự cảm thương, thấu hiểu cho nỗi đau của bệnh nhân và người thân.
Chứng kiến người bệnh đau đớn hay qua đời mỗi ngày mà không cứu chữa được; lắng nghe những đau khổ và mất mát của gia đình họ mà không giúp được... sẽ dần ăn mòn lòng trắc ẩn của họ. Sự thấu cảm này thể hiện đạo đức và tình người của những ai làm trong ngành y nhưng cũng là gánh nặng. Ta thử nghĩ xem, ai có thần kinh thép để chứng kiến không chỉ một người qua đời, chứng kiến nhiều người tuyệt vọng mỗi ngày mà có thể bình thản?
Không có sự hỗ trợ tinh thần kịp thời, nhân viên y tế sẽ kiệt quệ về cảm xúc, trở nên né tránh và chai lỳ.
Hơn thế nữa, làm việc triền miên khiến họ đối mặt với những cơn mệt mỏi kéo dài, đau nhức cơ thể, mất ngủ và gặp vấn đề tiêu hóa. Người bị kiệt sức nghề nghiệp sẽ dễ căng thẳng, tức giận và khó quản lý cảm xúc. Hàng chục nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhân viên y tế trong đại dịch Covid-19 tại nhiều nước có dấu hiệu rối loạn lo âu, trầm cảm, tự ti và mắc kẹt trong cảm giác có lỗi, dằn vặt. Chúng có thể trở thành sang chấn tâm lý lâu dài.
Tôi luôn mong đồng nghiệp tại Việt Nam có thể nhận ra sớm rằng mình đang kiệt sức và tìm được giúp đỡ. Tháng trước, tôi làm việc với các giảng viên và chuyên gia tâm lý tại các tỉnh, thành Việt Nam, Hội Y học chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam để phát triển các chương trình giúp nhân viên y tế chăm sóc tinh thần cho bản thân. Chúng tôi xây dựng các buổi dạy online về sức khỏe tinh thần, ngăn ngừa kiệt sức thấu cảm và các buổi thiền online cho những người đang làm việc trong bệnh viện. Chúng tôi cũng soạn các tờ rơi và bảng hướng dẫn thiền ngắn để giúp mọi người có thể thực hành mọi lúc mọi nơi. Tôi và nhiều đồng nghiệp đang triển khai thêm chương trình tham vấn nhóm cho nhân viên y tế gặp căng thẳng tâm lý do dịch Covid.
Trò chuyện với họ, tôi thấy, cũng như tôi, không phải ai cũng nhận ra ngay rằng mình đã cạn năng lượng. Với lợi thế của một người nắm rõ chuyên môn, năm ngoái, tôi may mắn biết mình cần làm gì để lấy lại cân bằng. Tôi bắt đầu chăm sóc mình bằng cách lắng nghe cơ thể, dõi theo tâm trạng và sức khỏe bản thân mỗi ngày. Việc này giúp tôi biết lượng sức trong từng ngày làm việc. Một trong những việc cơ bản tiếp theo là duy trì sinh hoạt điều độ. Ăn uống, ngủ đầy đủ và đúng giờ rất quan trọng nhưng thường bị nhân viên y tế bỏ qua do yêu cầu công việc.
Bên cạnh đó là thể dục. Sức khỏe thể chất ổn định hỗ trợ rất nhiều cho sức khỏe tinh thần. Ít nhất, tôi nói với họ dành ra 15 phút để thư giãn mỗi ngày. Thế mà, có những nhân viên y tế tuyến đầu nói không có nổi 15 phút cho mình.
Tôi cho rằng chính phủ và Bộ Y tế có thể khởi động một chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế toàn quốc bên cạnh các chương trình chuyên biệt khác. Thực ra, nhu cầu này đã có từ lâu và nay không thể trì hoãn nữa. Một trong những dự án có thể triển khai ngay là đường dây nóng hỗ trợ tâm lý và sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế.
Việc đảm bảo điều kiện làm việc, sinh hoạt và các chính sách công bằng về thu nhập, phúc lợi trong công việc giúp đem lại sự yên tâm cho nhân viên y tế. Tôi khá buồn khi đọc tâm sự của bạn bè làm nghề y về chế độ đãi ngộ họ nhận được khi đi chống dịch, nó không hơn bình thường là mấy. Bởi như chúng ta, họ còn phải có trách nhiệm với gia đình.
Nhân viên y tế làm việc trong cùng nhóm thường quan tâm, hỗ trợ nhau khi thấy đồng nghiệp kiệt sức. Nhưng sẽ tốt hơn, nếu cần, họ biết có thể tìm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý hay chuyên gia công tác xã hội lâm sàng ở đâu.
Đại dịch còn dài, là lúc ngành Y thực hành triệt để nguyên tắc: Bảo vệ tốt nhân viên của mình trước nếu muốn bảo vệ tốt bệnh nhân và nền y tế.
Trương Nguyễn Xuân Quỳnh
Thạc sĩ Y tế công cộng