Lực lượng lao động y tế phải gánh vác một khối lượng công việc khổng lồ, mỗi người làm gấp ít nhất 5 lần công việc hàng ngày. Đã có rất nhiều mất mát, hy sinh nơi tuyến đầu…
Bà Bình cho biết, trong đợt dịch thứ tư, số ca mắc và ca tử vong, nhất ca bệnh nặng tăng hàng chục lần so với các đợt dịch trước. Điều này vượt quá khả năng của y tế địa phương. Bộ Y tế do đó phải điều động trên 20.000 cán bộ y tế từ khắp nơi trên cả nước chi viện cho tâm dịch là các tỉnh thành phía Nam.
Ngoài làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế còn đảm nhiệm thêm khối lượng công việc khổng lồ để tiêm chủng được 60 triệu mũi vắc xin và thực hiện hàng chục triệu lượt xét nghiệm.
“Lực lượng lao động y tế phải gánh vác một khối lượng công việc rất lớn, mỗi người làm gấp ít nhất 5 lần công việc hàng ngày vốn đã rất áp lực”, PGS Bình nói.
Nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến số 6 TP.HCM trao đổi khi theo dõi một ca Covid-19 ở phòng cấp cứu - Ảnh: Phong Anh |
Một khó khăn lớn với 20.000 cán bộ y tế tăng cường ở phía Nam là sự khác biệt trong ăn uống sinh hoạt, điều kiện làm việc, sự thiếu thốn phương tiện bảo hộ và trang thiết bị y tế giai đoạn đầu.
Về tinh thần, thời gian cán bộ y tế phải xa cách gia đình lâu, có 20 cán bộ bố mẹ mất cũng không thể về đưa tang. Nhiều cán bộ có con cái ốm đau không thể về chăm sóc; nhiều hoàn cảnh đi chống dịch nhưng gia đình đặc biệt khó khăn, nhiều y bác sĩ phải điều trị bệnh nền trong quá trình chống dịch.
Áp lực công việc, áp lực tinh thần lớn, nhưng thu nhập lại giảm sút do hầu hết các bệnh viện đã thực hiện cơ chế tự chủ, không có nguồn thu vì người bệnh đến khám và điều trị giảm.
PGS Bình thông tin, Công đoàn Y tế Việt Nam đã đề xuất Tổng liên đoàn và Bộ Y tế quan tâm đề xuất Chính phủ phong liệt sĩ cho cán bộ y tế hy sinh khi làm nhiệm vụ chống dịch.
Đồng thời, đề xuất và được Tổng Liên đoàn cho phép: triển khai 20.000 thẻ bảo hiểm an toàn cho cán bộ tuyến đầu chống dịch; hỗ trợ cán bộ y tế đi tăng cường gói dinh dưỡng 1 triệu đồng/ cán bộ/đợt; gói 2 triệu đồng cho cán bộ y tế đi tăng cường theo Quyết định của Bộ Y tế.
Tổng chi tới nay khoảng 20 tỷ đồng, gồm: Gói hỗ trợ dinh dưỡng 11,28 tỷ đồng; Gói hỗ trợ mức 2 triệu là 5,350 tỷ đồng; Gói hỗ trợ 3 tại chỗ 1,569 tỷ đồng; Hỗ trợ đoàn viên bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Quyết định 3022 là 1,1 tỷ đồng.
Công đoàn Y tế Việt Nam cũng huy động nguồn lực xã hội hóa chăm lo cho nhân viên y tế với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng; đã khen thưởng 100 tập thể 730 cá nhân ngành y tế trong 4 đợt dịch và sẽ tiếp tục khen thưởng các đoàn tăng cường sau khi trở về. Tổng kinh phí khen thưởng khoảng 1,1 tỷ đồng, hầu hết từ nguồn xã hội hóa.
Trong bài tham luận tại Chính phủ mới đây, PGS.TS Phạm Thanh Bình kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ chi phụ cấp phòng chống dịch Nghị quyết 16/NQ-CP năm 2021 cho cán bộ y tế (tỉnh Phú Thọ, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Ninh Bình, Lai Châu….) tham gia chống dịch.
Bên cạnh đó, sớm xem xét đề xuất của Bộ Y tế để ban hành Nghị quyết của Chính phủ về một số cơ chế chính sách trong phòng chống dich Covid-19, trong đó nâng phụ cấp tiêm chủng gấp 2 lần, điều chỉnh phụ cấp cho cán bộ y tế đối với địa bàn có số ca vượt khả năng đáp ứng của địa phương. Đề nghị Chính phủ cho phép cán bộ y tế hưởng phụ cấp chênh lệch giữa mức phụ cấp lưu trú theo Thông tư số 40/2017/TT-BTC và mức tiền ăn đối với các địa phương chưa bố trí chưa đủ 200,000đ/ngày.
Công đoàn Y tế Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp ngành y tế, giảm lãi xuất vay ngân hàng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng đối với ngành sản xuát dược phẩm trong thời gian có dịch và sau dịch. Miễn giảm thuế nhập khẩu về 0% với tất cả máy móc, vật tư, nguyên phụ liệu cho sản xuất dược phẩm ngay từ 1/12/2021.
Đặc biệt, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương xem xét đề xuất phong liệt sĩ cho cán bộ y tế hy sinh khi đang làm nhiệm vụ chống dịch.