Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Cô gái khuyết tật tham gia tình nguyện chống dịch Covid-19
08/09/202
Dù không thể hoạt động tứ chi như người bình thường nhưng Nguyễn Thị Tuyết Nhung (23 tuổi) vẫn hăng hái trở thành tình nguyện viên hỗ trợ tiếp nhận thông tin từ các F0 cần oxy.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung, giáo viên dạy trường chuyên biệt tại tỉnh Bình Dương, vẫn tìm cách góp sức chống dịch Covid-19 dù bị khuyết tật vận động (viêm đa thần kinh bẩm sinh do gien).
Hiện cô Nhung (quê tỉnh Vĩnh Phúc) làm tình nguyện viên tiếp nhận các ca F0 cần bình oxy tại Trạm oxy cộng đồng Sài Gòn (trụ sở tại quận Phú Nhuận, TP.HCM). Nữ tình nguyện viên thực hiện công việc hỗ trợ trực tuyến tại khu nội trú dành cho giáo viên của trường chuyên biệt ở tỉnh Bình Dương.
Nữ tình nguyện viên cho biết được làm công việc ý nghĩa này là liều thuốc tinh thần giúp cô vượt qua những ngày tháng khó khăn vì dịch Covid-19. “Tôi từng rất hoảng loạn vì không thể về quê, sống tại nơi làm việc phải đối mặt với nhiều nỗi sợ. Thật may mắn là Trạm oxy cộng đồng Sài Gòn có tuyển tình nguyện viên hỗ trợ F0 tại nhà nên tôi không ngần ngại mà đăng ký ngay”, Nhung chia sẻ.
Tham gia làm tình nguyện viên kể từ đầu tháng 8, công việc của cô là tiếp nhận các ca bệnh cần oxy sau đó gửi thông tin cho đội điều phối và bác sĩ để thăm hỏi hướng dẫn chăm sóc F0 điều trị tại nhà… Tuy những thao tác nói trên đều được thực hiện thông qua chiếc máy vi tính, rất đơn giản so với người bình thường nhưng với đôi tay yếu ớt, co quắp của Nhung khiến cô thường xuyên có cảm giác mỏi, đau nhức.
Nhung cho hay làm tình nguyện giúp cô rèn luyện được một tinh thần “thép” khi phải tận mắt đối diện những trường hợp hết sức nguy kịch. Thời gian đầu, cô có chút hoảng loạn nhưng vẫn cố gắng giữ bình tĩnh để động viên bệnh nhân Covid-19, hướng dẫn họ tập thở và nhanh chóng thông tin đến đội ngũ hỗ trợ của Trạm oxy.
“Điều buồn nhất là dù Trạm oxy đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không cứu được những trường hợp nặng. Vào một buổi sáng thức dậy, tin nhắn đầu tiên tôi nhận được là từ gia đình bệnh nhân với nội dung: Người thân đã đi xa rồi,… khiến tôi bật khóc ngay lập tức. Đó là những ngày u ám, nhưng không vì vậy mà tôi để bản thân mình yếu đuối vì còn rất nhiều người cần sự giúp đỡ”, Nhung chia sẻ.
Bên cạnh áp lực thì thông tin bệnh nhân Covid-19 được hỗ trợ đã phục hồi là động lực lớn cho những tình nguyện viên như Nhung. Nữ tình nguyện viên cảm thấy mình có thêm được nhiều trải nghiệm, biết cách chia sẻ, thấu hiểu với những hoàn cảnh khó khăn… và có được bài học đắt giá từ các anh chị lớn trong đội.
"Tôi vẫn luôn mong ước bản thân có thể cống hiến cho xã hội, nên cố gắng học tập. Đôi chân này dù khuyết tật nhưng là chân hay đi, tôi đâu chịu nổi cảnh ở yên một chỗ. Dịch thế này tôi bí bách lắm, thấy người ta khỏe mạnh, xông pha ra chiến tuyến mình cũng có chút tủi thân. Nhưng đúng là "cầu được ước thấy", chưa kịp an phận thì công việc này đã đến, may mắn vì được đồng hành với Trạm oxy ngay từ những ngày bắt đầu hoạt động, tôi chỉ làm công việc nhỏ bé nhưng cũng được an ủi rất nhiều”, Nhung nói.
Dù tứ chi không thể hoạt động, đi lại như người bình thường nhưng Nhung vẫn luôn quyết tâm chiến thắng số phận. Sau 7 năm rời xa quê nhà ở Vĩnh Phúc để vào TP.HCM theo đuổi giấc mơ trở thành cô giáo, nữ tình nguyện viên chống dịch vừa tốt nghiệp ngành Giáo dục đặc biệt tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Cô trở thành giáo viên tại một trường chuyên biệt ở TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Nguyễn Điền