Hoạt động từ thiện xuất phát từ cái tâm, song cũng cần sự quản lý của nhà nước để người dân thực sự yên tâm khi góp quỹ từ thiện. Ảnh minh họa.
Qua những câu chuyện trên, dư luận không khỏi băn khoăn về việc làm thế nào để thực hiện nghĩa cử cao đẹp “lá lành đùm lá rách” được minh bạch cũng như được thực hiện đúng với quy định của pháp luật.
Từ thiện – nghề “siêu” thu nhập
Việt Nam vẫn là một nước đang trong thời kì phát triển, sự phân hóa về kinh tế được thể hiện rõ rệt qua các vùng miền. Hầu hết, các tỉnh có địa hình khó khăn, vùng núi cao ở phía Bắc và các tỉnh miền Trung luôn có điều kiện kinh tế kém hơn so với các tỉnh và vùng khác của đất nước. Cùng với đó, yếu tố thiên nhiên như mưa bão, lũ lụt xảy ra hàng năm, khiến các vùng khó khăn chịu thêm thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Việc hoạt động từ thiện của cá nhân hay tổ chức luôn là một nghĩa cử cao đẹp, giúp đồng bào nơi đây vượt qua những khó khăn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc ta.
Tuy nhiên, thực trạng đáng lên án hiện nay là bên cạnh một số tổ chức, cá nhân hoạt động từ thiện với đúng ý nghĩa... còn có một số đối tượng lợi dụng lòng hảo tâm của mọi người, công tác cứu trợ, từ thiện để trục lợi bản thân, làm những việc trái quy định của pháp luật. Thậm chí, từ thiện đang có xu hướng biến tướng thành một “nghề” mang lại siêu thu nhập. Điều này làm cho nhiều người tỏ ra có cái nhìn tiêu cực đối với việc từ thiện, đã có không ít ồn ào tai tiếng xung quanh vấn đề này.
Hầu hết tại Việt Nam, tổ chức từ thiện đều do cá nhân tự lập cho nên tính minh bạch, công khai vẫn chưa kiểm soát được. Họ hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động kiểm toán nào để cung cấp thông tin chính xác đến các thành viên, những nhà hảo tâm tham gia góp tiền. Thông thường khi thấy kêu gọi từ thiện là mọi người gửi tiền, chuyển khoản vào tài khoản của người đứng lên kêu gọi giúp đỡ, mặc dù chưa biết rõ nguồn gốc thông tin đó có chính xác không. Để rồi khi phát hiện ra có trường hợp gian dối, bị lợi dụng lòng tốt thì nhiều người tỏ ra có cái nhìn tiêu cực đối với việc từ thiện.
Vấn nạn lừa đảo bằng cách kêu gọi từ thiện, ủng hộ trên mạng xã hội ngày càng nở rộ. Hầu hết các đối tượng lừa đảo thường đăng tin về một vài trường hợp đáng thương, những hoàn cảnh khó khăn sau đó kêu gọi sự ủng hộ, nhiều người tin tưởng và chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng này. Nhưng thay vì chuyển số tiền cho người cần hỗ trợ, các đối tượng ẵm luôn số tiền kêu gọi được. Đến khi mọi chuyện vỡ lở thì mọi người mới đi tố cáo hành vi của các đối tượng trên thì sự việc đã quá muộn. Các địa chỉ, số điện thoại chúng cung cấp cũng “bốc hơi” theo số tiền của các nhà hảo tâm dành cho những hoàn cảnh khó khăn. Những người “hành nghề từ thiện” này quanh năm chỉ đi xin tiền, xin quà từ những người khác chứ không hề rút tiền túi của mình để làm từ thiện, sống trên lòng hảo tâm của người khác nên cuộc sống sung túc, đi xe sang, điện thoại xịn.
Nhờ từ thiện “đánh bóng” tên tuổi
Ngoài những hành vi ăn chặn tiền từ thiện, hiện tượng lợi dụng hoạt động từ thiện để “đánh bóng” tên tuổi, coi việc hoạt động từ thiện là một công cụ quảng bá cho người nổi tiếng hoặc cá nhân, doanh nghiệp. Nhiều “sao” mỗi lần làm từ thiện là phải tiếp thị ầm ĩ trên các phương tiện truyền thông dù phần quà mang đi là những thùng mì, bánh, sữa hết hạn, thậm chí là những bộ quần áo đã cũ như giẻ rách. Thực tế có những đơn vị doanh nghiệp tham gia các buổi đấu giá từ thiện trên truyền hình, các đơn vị doanh nghiệp này hứa hẹn sẽ quyên góp một khoản tiền để làm từ thiện, với điều kiện tên của doanh nghiệp sẽ được nêu trong chương trình truyền hình. Thế nhưng, sau khi kết thúc chương trình, số tiền họ hứa quyên góp thì “mất dạng”.
Cùng với sự thiếu minh bạch trong thu, chi của các tổ chức từ thiện tự phát hiện nay, chúng ta còn gặp phải một vấn đề đó là việc mọi người đem tiền đi cho một cách quá dễ dãi mà không quản lý, theo dõi sát sao số tiền đó. Điều này góp phần làm cho một bộ phận người nghèo ý chí lao động và sức sống bị giảm xuống, kéo theo sự trì trệ lâu dài về mặt ý thức lao động của xã hội. Chính quyền một tỉnh miền núi phía Bắc đã phải khuyến cáo khách du lịch không nên cho tiền trẻ em ở đó, cũng như cấm không cho trẻ em ở độ tuổi đi học bán hàng rong tại khu du lịch, vì làm như thế các em sẽ bỏ học và lợi dụng, lừa gạt lòng tốt của khách du lịch. Từ các hoạt động từ thiện dễ dãi đó của cộng đồng, vô tình biến những người lương thiện nghèo khổ thành những người vi phạm pháp luật mà họ không hề hay biết.
Nhìn chung tại Việt Nam, những tổ chức từ thiện tự phát có quy chế và tầm hoạt động chiến lược vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, hoạt động của các tổ chức từ thiện quốc tế thường rất rộng, luôn chú trọng đầu tư vào các giải pháp căn cơ và tận gốc. Các tổ chức từ thiện quốc tế thường tập trung nghiên cứu triển khai các dự án đào tạo nghề nghiệp, phát triển công ăn việc làm, tạo chiếc “cần câu” xung quanh môi trường sống của người được giúp đỡ đem lại những hiệu quả to lớn cho cộng đồng. Hầu hết các hoạt động từ thiện ở nước ta hiện nay chỉ tập trung vào phần “ngọn” thông qua việc quyên góp, ủng hộ vào các trường hợp cụ thể, cá biệt mà không chú trọng đến phần “gốc”. Các chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững cần được đẩy mạnh và nhân rộng hơn nữa để có hiệu quả mang tính vĩ mô, tránh tình trạng hoạt động từ thiện mang tính ban phát như hiện nay.
Luật sư Bùi Thế Vinh (Trưởng Văn phòng Luật Thái Minh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội): “Theo quy định hiện hành, việc cá nhân tự nguyện đứng ra ủng hộ và kêu gọi người khác tham gia quyên góp, ủng hộ và thực hiện từ thiện hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Không có quy định pháp luật nào cấm việc cá nhân hay tổ chức đứng ra làm từ thiện. Pháp luật chỉ truy cứu trách nhiệm các hành vi vi phạm quy định tại Điều 3 Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ. Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm là: Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo; Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp; Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi. Ngoài ra, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 Thông tư 72/2008/BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 64/2008/CP thì cá nhân, tổ chức, đoàn cứu trợ có quyền cứu trợ trực tiếp mà không phải thông qua cơ quan nhà nước”.