Giáp Thị Sông Hương - Nữ đại gia từng ngủ nghĩa địa xây khách sạn, nuôi trăm trẻ bị bỏ rơi
Sau lần vô tình nhặt được đứa bé bị bỏ rơi ở bãi rác cách đây hơn 30 năm, chị Giáp Thị Sông Hương (SN 1974, quận 12, TP.HCM) như có duyên với những đứa bé bất hạnh. Chị liên tiếp phát hiện, nhận nuôi trẻ mồ côi, bị bỏ rơi nên ước mơ xây dựng mái ấm Hoa Hồng. Tên gọi “mẹ Hương” cũng theo chị từ đó.
Để hiện thực hóa mơ ước của mình, chị nỗ lực vươn lên từ công việc nhặt ve chai, dọn nhà, bán quán ăn. Có chút vốn, chị ra vỉa hè bán đồ ăn vặt rồi quán nhậu. Nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi giúp chị tích góp được một số vốn nhỏ để thuê mặt bằng mở quán ăn, quán nhậu lớn hơn.
Sau đó, chị mạnh dạn đầu tư nhà hàng, khách sạn, quán karaoke... và trở thành người mẹ có điều kiện để chăm lo cho đàn con nuôi chịu nhiều thiệt thòi của mình.
Chị chia sẻ: “Tôi bắt đầu nhặt và nuôi trẻ bị bỏ rơi từ khi mới 17-18 tuổi. Những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời, phải ngủ nghĩa địa rồi sau thuê được căn trọ chắp vá, tôi vẫn nhặt và nhận nuôi trẻ mồ côi, bị bỏ rơi với lý do đơn giản là nuôi để chờ cha mẹ các bé hối hận, thương con quay lại đón các con về”.
“Nghĩ như thế nên tôi chưa bao giờ cảm thấy khổ cực khi nuôi các con. Tôi cố gắng làm việc, quên hết những ham thích của bản thân để có kinh tế lo cho các con".
"Hai bé đầu tiên tôi nhặt từ bãi rác nay đã trưởng thành, ngoài 30 tuổi và ra nước ngoài sinh sống. Nhưng suốt chừng ấy năm, tôi không nhận được bất cứ thông tin nào từ cha mẹ các bé. Chưa một ai quay lại tìm đứa con mình đã trót bỏ rơi”, chị nói thêm.
Sự thật phũ phàng ấy càng khiến chị thương yêu, đồng cảm hơn với những đứa trẻ bất hạnh. Mỗi khi nghe có trẻ bị bỏ rơi, mồ côi… chị đều cố gắng liên hệ, nhận các bé về chăm sóc, nuôi dưỡng.
Có thời điểm, chị đứng ra chi trả chi phí thăm khám, sinh nở cho nhiều cô gái mang thai ngoài ý muốn nhưng không có khả năng kinh tế. Ngoài ra, nếu những cô gái này vì một lý do nào đó không đủ khả năng nuôi con, chị cũng đứng ra nhận nuôi, chăm sóc các bé.
Lâu dần, một số khách sạn của chị đang kinh doanh bỗng nhiên trở thành mái ấm của trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, nơi chăm sóc mẹ bầu mang thai ngoài ý muốn. Công việc thiện nguyện, tấm lòng của “mẹ Hương” lan rộng, dần trở thành nơi gửi gắm những đứa bé bất hạnh từ nhiều người. Bản thân chị cũng quên luôn việc phải lấy chồng, xây dựng hạnh phúc riêng.
Chị tâm sự: “Ai cũng mong cầu hạnh phúc, có gia đình, cuộc sống riêng. Tôi cũng vậy thôi nhưng nếu lập gia đình, tôi sẽ không thể nào toàn tâm, toàn ý lo cho các con. Đã thương các con thì phải thương cho trót. Thế là tôi quyết không lấy chồng, lập gia đình để có thể chăm lo tốt nhất cho các con”.
Hiện nay, mái ấm Hoa Hồng tại khách sạn Hoa Hồng của chị Hương đang nuôi dưỡng, chăm sóc gần 100 bé bị bỏ rơi, mồ côi từ sơ sinh đến 13-14 tuổi. Các bé đều được chị làm giấy khai sinh mang họ của chị.
Tại đây, các bé sơ sinh có bảo mẫu chăm sóc chu đáo trong những căn phòng khách sạn sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi. Các bé lớn hơn có phòng riêng, được ăn thức ăn sạch do chính chị liên hệ, đặt mua với những nguồn cung cấp thực phẩm đạt chất lượng.
Bán gia sản, dành cả đời nuôi con người dưng
Để các bé không phải chịu thêm những thiệt thòi, chị liên hệ, mời các giáo viên đến mái ấm của mình làm quen, dạy các bé. Đối với các bé đủ tuổi đi học, chị Hương phân công người đưa đón các em đến trường.
Chị cũng mời học sinh, sinh viên đến mái ấm chơi với các em để “các con không cảm thấy cô đơn, mặc cảm”.
Ngoài nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, hơn 30 năm qua, chị Hương còn giúp đỡ, cưu mang người nghèo, vô gia cư, người già neo đơn, mẹ bầu có thai ngoài ý muốn.
Công việc ấy cho phép chị gặp gỡ, thấu hiểu vô số hoàn cảnh, mảnh đời cơ cực. Nhìn những người lang thang, không nhà cửa, không nơi nương tựa… chị như thấy lại quá khứ nghèo khó của mình.
Thế nên chị đồng cảm và tìm cách giúp đỡ, cưu mang những phận đời khốn khó ấy. Chị mời họ về quán, khách sạn của mình, lo cho họ ăn uống, tắm rửa, ngủ nghỉ, thậm chí giúp đỡ tiền bạc, tìm việc làm.
Hoạt động này kéo dài đến khi đại dịch bùng phát khiến công việc kinh doanh nhà hàng, khách sạn… của chị gần như đóng băng. Để duy trì các hoạt động thiện nguyện, đặc biệt là công tác chăm sóc, nuôi gần 100 trẻ bị bỏ rơi, chị đã bán biệt thự, xe ô tô riêng để lấy kinh phí.
Thấy chị nuôi nhiều trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đến xin trẻ về nuôi nhưng chị Hương từ chối. Bởi, chị luôn nghĩ mình đang nuôi, chăm sóc các bé trong lúc cha mẹ ruột các bé vì một lý do nào đó không thể tự tay nuôi con mình.
“Tôi luôn hy vọng, một ngày nào đó, cha mẹ ruột các con sẽ quay lại đón các con về. Hoặc, sau này lớn lên, các con có ước muốn tìm về quá khứ, nguồn cội của mình, tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ”, chị Hương chia sẻ.
Hiện nay, dù vẫn chưa thể “gượng dậy” sau những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, chị Hương vẫn cố gắng mở rộng vòng tay thiện nguyện của mình. Chị biến khách sạn Hoa Hồng tại quận 12 thành mái ấm nuôi trẻ bị bỏ rơi, nơi cưu mang, giúp đỡ người già neo đơn, học sinh, sinh viên mang thai ngoài ý muốn. Chị cũng mong có thêm mạnh thường quân để nối dài công việc thiện nguyện ý nghĩa này.