Bùi Văn Châu - thầy Châu và nụ cười ấm
24/04/2011
TT - Ấm áp, nhẹ nhõm là cảm giác đầu tiên và cũng là cảm giác xuyên suốt mà ông Bùi Văn Châu - người mà dân khu Trảng Bom, Đồng Nai thường gọi là “thầy Châu” - đọng lại trong lòng người đối diện.
Công việc mở đầu một ngày mới của thầy Châu là chăm các em khuyết tật - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Thầy Châu phóng xe máy từ Bến Tre về giữa trưa nắng gắt, trên xe chở mấy chục khay nhựa chứa ếch giống, xe vừa thắng lại là gặp một nụ cười. Theo dõi thầy Châu qua một ngày làm việc luôn chân luôn tay cũng thường trực nụ cười ấy. Nụ cười làm ấm không gian của mái ấm Phan Sinh (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) vốn chứa đầy ngác ngơ của hàng chục đứa trẻ bị bệnh tâm thần, đầy bất lực của những đôi tay, chân bại liệt...
Một ngày của thầy Châu
7g. Trong mái ấm, mọi việc chuẩn bị cho một ngày đều đã xong. Sân đã quét. Nước đã đun. Chăn mền đã gấp. Đám trẻ trong nhà đã được cho ăn xong. Mấy đứa trẻ đứa ngồi, đứa đứng đều ngóng ra cổng.
“Thầy tới kìa!” - cô Niềm khẽ reo lên với đứa bé sơ sinh mắc hội chứng Down đang mút chùn chụt bình sữa trên tay. Ông Nhâm ngừng tay lau dọn mỉm cười nhìn ra. Một nụ cười tươi rỡ bỗng hiện lên trên những khuôn mặt ngơ ngác. Từ ngoài cổng, một chiếc xe máy phóng vút vào. Người đàn ông cởi chiếc mũ bảo hiểm, gương mặt sạm đen nở một nụ cười. Cậu bé bụ bẫm được ông cởi áo khoác, thả xuống sân vẫn chưa chịu đi, luẩn quẩn ôm chân gọi “Ba! Ba!”. Ông xuống xe, lúi húi tháo những giỏ, bịch lủng lẳng. Đó là bình sữa, hộp sữa, quần áo của bé Phước, là xô nhựa, những thứ đồ lặt vặt vừa mua thêm cho mái ấm.
Xếp đặt xong, những bước chân của ông đã sải dài vào nhà, giọng Bắc pha Nam âm ấm rủ rỉ với mấy đứa trẻ: “Hôm qua Hường có ngủ được không? Việt thế nào? Thọ có lên cơn không? Lát nữa tắm xong thầy cho thuốc nhé...”. Trong hơn 20 đứa trẻ đủ độ tuổi, đủ loại khuyết tật chỉ mình Việt là có khả năng nhìn ông mỉm cười trả lời rành rọt “Dạ, con ngủ được”, còn lại là những gục gặc vặn vẹo, những nắm níu vô thức, những nụ cười ngơ ngác.
8g. Cô Niềm đi chợ về. Anh Tân lăn xe đến cùng ông Nhâm giúp cô soạn ra hàng chồng tã lót, quần áo. Một đoạn hành lang được chắn gió để biến thành phòng tắm. Thầy Châu xắn quần, xắn tay áo, tay cầm vòi sen, tay cầm bông tắm cẩn thận kỳ cọ cho từng đứa trẻ...
10g. Tất cả đã sạch sẽ, tinh tươm và ngong ngóng đợi giờ ăn trưa. Cô Niềm lúi húi dưới bếp. Thầy Châu thoăn thoắt đi, luôn tay cho thuốc người này, tiêm thuốc người kia, rồi lại tất bật ra phía sau rải thóc cho gà trong vườn, bơm nước, tiếp thức ăn cho cá, ếch trong hồ, vớt mớ ếch đã mập tròn lên làm cơm trưa.
11g. Những chiếc tô nhựa xếp hàng trên bàn. Cả mái ấm hiện có 32 người nhưng chỉ 10 người có thể tự phục vụ. Thầy Châu đón lấy hai tô, ngồi bệt xuống sàn, bên trái một thìa cho Sang, bên phải một thìa cho Phước. Phước gần 2 tuổi bi bô tập nói, thỉnh thoảng lại cười khoe đôi má bụ bẫm. Sang 9 tuổi, tay chân khỏe mạnh nhưng không ý thức được gì, luôn miệng cười ngu ngơ và bắt chước Phước thỉnh thoảng lại giơ hai tay đòi bế. Thầy Châu chỉ cười, âu yếm xúc từng thìa cơm.
13g. Mấy đứa trẻ ăn no đã ngủ, bữa trưa của những người lớn thật sự trong nhà mới bắt đầu. Đây là giờ họp duy nhất trong ngày để bàn bạc, sắp xếp mọi việc, từ kiểm đếm lương thực, vật dụng dự trữ đến rà soát những thứ hư hỏng cần sửa chữa, diễn biến bệnh tật của người này đến biểu hiện tâm lý của người kia.
14g. “Đến giờ lấy cơm”. Thầy Châu bật dậy chụp lấy cái mũ, lái chiếc xe ba bánh chất một chồng xô nhựa ra ngoài. Qua con đường đất đỏ mù mịt, chiếc xe ba bánh rẽ vào cổng sau những xí nghiệp quen biết ở Khu công nghiệp Sông Mây. Tất tả xách những chiếc xô nhựa vào nhà bếp, thầy Châu gồng hai cánh tay rắn chắc bưng những nồi inox to bằng hai vòng tay người đổ cơm thừa, canh cặn từ những phần ăn của công nhân vào từng xô, rồi lại trĩu tay xách các xô ra xe.
Đi một vòng qua ba xí nghiệp thì thùng xe đã chất đầy lủ khủ, bánh xe lại vòng vào các con đường đất đỏ đến các trại heo xung quanh khu vực. Xách từng xô đổ vào máng ăn, cứ một xô thức ăn thầy Châu được trả 20.000 đồng. Hôm nay thầy bán được 15 xô.
17g. Lại đến giờ đi lấy cơm ở các xí nghiệp có tăng ca tối. Khi chiếc xe ba bánh của thầy về đến sân lần thứ hai trong ngày thì mặt trời đã lặn từ lâu. Bé Phước đã đứng ngóng trong sân, ngước đôi mắt đen láy gọi: “Ba, về”. “Ừ, về, về với mẹ”, thầy Châu rửa vội tay rồi xếp bình sữa vào giỏ, ôm con trai lên xe sau khi liếc qua tất cả mọi người trong nhà một lần nữa.
19g. Qua 7km quốc lộ về đến nhà ở ấp Quảng Lộc, xã Quảng Tiến, trao Phước vào tay vợ, thầy Châu vội vã vào nhà tắm trút bỏ bụi bặm của một ngày. Bước ra, thầy đã lại khoác lên mình bộ quần áo tinh tươm, sơmi dài tay cài măngset và lại lên xe. “Giờ này mới thực làm “thầy” đây, buổi chiều đi xin cơm thì chỉ là “thằng” thôi”, giọng trầm ấm của thầy nói đùa rồi vút đi. Ở một căn nhà trong thị trấn Trảng Bom, một nhóm học viên đang chờ thầy đến với những bài học tiếng Anh ứng dụng.
21g30. Lớp học kết thúc, thầy Châu về nhà. Lúc này mới thật sự ngồi xuống chiếc ghế quen thuộc, cầm chén cơm ăn và trò chuyện với vợ cùng hai cậu con trai cũng vừa đi học, đi làm về. Phước vẫn còn thức chờ ba đùa giỡn thêm vài câu trước khi ngủ. Một đêm ngon giấc đến với thầy Châu để sáng mai một ngày mới lại bắt đầu.
* Ông Bùi Văn Châu sinh 1957 tại Nam Định. Theo học ngành y trong chủng viện. Năm 1976, ông chuyển vào sống ở Trảng Bom, Đồng Nai, công tác ở trạm xá đội 21. * Từ 1988-1998, ông Châu lần lượt trải qua các công việc gắn liền với hoạt động cộng đồng như: huấn luyện viên CLB kỹ năng Huyện đoàn Trảng Bom; giáo dục viên CLB đường phố - Hội Liên hiệp thanh niên VN; giáo dục viên nhà mở Cầu Kho, Q.1, TP.HCM; nhân viên tham vấn Trung tâm giáo dục dạy nghề thiếu niên, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM. * Từ năm 1998, ông Châu lập mái ấm Sao Mai, sau đổi thành mái ấm Phan Sinh (2004) tại Trảng Bom, Đồng Nai dành nuôi dưỡng trẻ khuyết tật nặng, tâm thần. Thầy Châu đi lấy cơm thừa bán cho các trại nuôi heo, kiếm tiền lo cho mái ấm. |
Đêm ở mái ấm Phan Sinh không yên tĩnh như vị trí nằm sâu trong đồi bạch đàn của nó phải thế. Đêm ở đây luôn bị khuấy động bởi tiếng hú hét của Thọ, tiếng giậm nhảy bình bịch của Danh, tiếng khua giường đòi ra của Sang, tiếng ú ớ của Nam, Cường vì bị thức giấc... Cô Niềm, anh Tân luôn phải thức giấc vì bé Trà My đòi sữa, một em nào đó không tự chủ được bài tiết cần thay tã, một em nữa lên cơn động kinh.
Đêm ở Phan Sinh, tôi cứ nghĩ mãi về những nụ cười luôn thường trực trên môi những người lớn của mái ấm. Nụ cười hiền dịu của cô Niềm, trìu mến của bác Nhâm, và hơn cả là nụ cười ấm áp, nhẹ nhõm của thầy Châu. Đã chứng kiến những người mẹ nuôi con khuyết tật vất vả, nhọc nhằn với bao nhiêu lo buồn, nước mắt, thật ngạc nhiên khi thấy thầy Châu, cô Niềm đưa vai ra gánh giúp những người làm cha, làm mẹ những đứa con không mang theo hi vọng này với nụ cười nhẹ bẫng.
13 năm thành lập mái ấm, thầy Châu không còn nhớ những lá thư nguệch ngoạc cài bên chiếc khăn quấn đứa bé sơ sinh, những người cha, người mẹ mang đứa con tật nguyền đến đây với nước mắt và những lời khẩn khoản gửi nhờ, cam kết sẽ đến thăm, sẽ đóng góp và rồi... biến mất. Thầy chỉ nhớ tên từng đứa, thuộc nết từng em dù chẳng có hi vọng nào về một ngày sẽ được nghe tiếng “Ba” yêu thương.
Bé Phước là đứa trẻ duy nhất lành lặn, mạnh khỏe mà thầy được gọi đến nhận khi có người gặp bé bị bỏ dưới một gốc cây với cuống rốn còn chưa cắt. Như những đứa trẻ sơ sinh đến đây, Phước cũng được khai sinh theo họ Bùi của thầy Châu. Thầy bàn với vợ làm giấy nhận Phước làm con để bé có được một tương lai bảo đảm hơn nữa. Thiên Phước, cái tên thầy Châu đặt cho bé như là biểu hiện của niềm vui trong lòng, nụ cười trên gương mặt mình.
“Khi xưa có một thời gian dài tôi đi tập tu nhưng rồi không thành. Chính khoảng thời gian ấy, ước vọng lúc ấy đã cho tôi cái duyên để yêu thương người khác”, thầy Châu giải thích đơn giản về cuộc sống đã làm nhiều người phải ngạc nhiên của mình. Sau thời gian dài hoạt động cộng đồng với những nhóm thanh niên khuyết tật, thầy Châu mở mái ấm Phan Sinh, cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Phân chia rạch ròi: phần thu nhập từ việc “làm thằng”, đi thu gom cơm thừa để bán, chăn nuôi thêm là dành cho mái ấm, thu nhập từ việc “làm thầy”, dạy tiếng Anh sáu buổi tối/tuần là dành cho gia đình.
“Vợ tôi tốt lắm, cô ấy đồng lòng với việc tôi làm, lại còn hết lòng thương yêu bé Phước. Mấy anh của Phước cũng thế. Nhờ có gia đình...”, thầy Châu nhắc đến vợ với nụ cười biết ơn. Một nụ cười ấm...